1. Tôi đã từng rất hạnh phúc khi
chứng kiến những thành phố lớn trọng điểm của
Việt Nam tổ chức lễ diễu hành xe hoa mừng ngày Phật đản trên khắp những nẻo
đường thành phố, khi ấy tôi đã thật sự hạnh phúc mà tự thốt lên rằng: Ôi! Đạo
Phật đã thật sự đi vào cuộc đời.
Để rồi, vài năm gần đây như chờ đợi -
tôi mới chợt nhận ra đó chỉ là phong trào, nắng-mưa và phải tạm dừng lại với
muôn vàn khó khăn- lý do chính đáng thế này hay thế nọ.
Từ đó, những mùa Phật đản hằng năm
như chỉ được gói gọn ở những nhóm người, cộng đồng Phật tử hay tại các chùa,
các lễ đài chính để nghe những văn bản hành chánh đầy hứa hẹn đọc đi đọc lại
năm nào cũng như năm nấy rồi ra về.
Rồi đoạn đường nào có treo cờ Phật
giáo tưng bừng màu sắc thì biết ngay gần đó sẽ có một ngôi chùa của những vị
thầy-cô trụ trì có tâm luôn hết lòng với đạo đang cố gắng nhắc cho ai đó vô
tình đi ngang qua được biết là ngày Phật đản.
Rồi còn lại là thở dài, cho qua và
thôi kệ: Thế sự vô thường..v.v.. - để rồi lại lặng lẽ buồn và thầm trách khi
chứng kiến hằng năm lễ hội giáng sinh tưng bừng mừng ngày của chúa đầy những
màu sắc và sáng tạo đang ngày càng lan rộng khắp muôn nơi trên cả nước như thể
muốn trở thành ngày lễ của quốc gia, của dân tộc.
Đó không phải là sự hơn thua hay đố
kỵ, mà đó được quy về trách nhiệm của mỗi chúng ta, của những con người Việt
Nam ở thế kỷ này đã thật sự làm gì để đúng nghĩa trọn vẹn với hai câu thơ “Mái
chùa che chở hồn dân tộc – Nét đẹp muôn đời của tổ tông” (cố HT. Mãn Giác).
Mà vốn dĩ đạo Phật cần phải được trả
lại nguyên vẹn với giá trị mà nó đã hy sinh, đã đồng hành và trọn vẹn hết lòng
với bao thịnh suy của dân tộc mà lịch sử bao đời đã hằng minh chứng.
Chúng ta đã thật sự thọ ân rất lớn từ
khi sinh ra qua hình ảnh mái chùa – đạo Bụt, qua từng bài học căn bản về đạo lý
nhân-quả, nghiệp-báo, duyên-nợ hay năm điều đạo đức…để dưỡng nuôi và lớn lên
từng ngày trong ý thức từ khi còn rất nhỏ là phải biết đúng-sai, thiện-ác, nhờ
đó mà ta đã dần trở thành những con người hiền hoà, biết cảm thông và tôn trọng
lễ nghĩa cha ông bao đời để lại.
2. Tôi như một người luôn cố gắng tổ
chức và phát động những phong trào mừng Phật đản hằng năm cho các bạn trẻ là
sinh viên, học sinh,… vì tôi luôn tự nhận ra được trách nhiệm của riêng mình là
người xuất gia con của Phật mà không phải là ai khác, hay người nào đó.
Để rồi tôi mới chợt hiểu ra trách
nhiệm đó là ở mỗi chúng ta, ai cũng phải tự cho mình một trách nhiệm bằng một
hay nhiều hành động cụ thể để thể hiện tấm lòng tôn kính Phật như một sự đền
đáp và báo ân. Nếu chúng ta là người Phật tử, hay là người yêu quý mến đạo
Phật, thì xin hãy làm điều gì đó đi để đóng góp một phần nhỏ bé vào trong sứ
mệnh chung, nỗ lực chung, và một giấc mơ chung là mang Phật đản sẽ ngày càng
lan rộng đến từng gia đình, cộng đồng và xã hội nơi mà mình đang sống để trả lại
món nợ trách nhiệm đang bị lãng quên mà cha ông đã dày công tạo dựng nên một
nền văn hoá gốc rễ tâm linh của dân tộc.
Nên chăng bằng những hành động cụ thể
như:
1. Treo cờ Phật giáo trước nhà, biểu
tượng cho mây năm sắc khắp tung bay.
2. Nhắn tin chúc mừng Phật đản an
lành đến với những người thân và bè bạn.
3. Tự làm Vườn Lâm Tỳ Ni nhỏ tại nhà
bằng khả năng có thể.
4. Treo Băng-rôn và lồng đèn: Kính mừng Phật đản tại những nơi công cộng quanh
khu vực mình đang sống.
5. Mời gọi các bạn trẻ tổ chức các buổi
đạp xe diễu hành quanh xóm trong lễ rước Phật đản sinh.
6. Tổ chức lễ tắm Phật ngay chính
trong gia đình mình để tạo thuận duyên cho mọi người được biết.
7. Tổ chức lễ rước đèn hoa đăng, thắp
nến cùng với tượng Phật sơ sinh dành cho các em nhỏ trong xóm như ngày hội
trung thu.
8. Dựng lễ đài chung tại các công ty,
xí nghiệp, xưởng may,…nơi do mình quản lý hay có trách nhiệm.
9. Thiết trí hoa sen và lồng đèn mừng
Phật đản ngay phía trước mặt bằng nơi mình đang kinh doanh buôn bán hoặc giảm
giá một số mặt hàng nhân ngày này.
10. Tổ chức thi giáo lý, vẽ tranh đức Phật sơ sinh dành cho các em thiếu nhi nơi mình đang hướng dẫn hay giảng dạy.
11. Gửi thiệp viết tay chúc mừng đản
sanh đến với người thân và bạn bè trong lớp hay nơi mình làm việc.
12. Họp mặt gia đình để dùng buổi cơm
chay ấm cúng.
.......
Và mong rằng:
1. Ra mắt và công chiếu những bộ phim
tại các rạp trên toàn quốc liên hệ đến những giá trị tâm linh đạo đức nhân mùa
Phật đản để đáp ứng nhu cầu giải trí của đại bộ phận quần chúng.
2. Các kênh truyền hình khai thác và
phát sóng sự kiện Đại lễ Phật đản tại các quốc gia trên thế giới đã tổ chức để
thấy được tầm quan trọng của nó - chứ không chỉ luôn phát sóng lễ giáng sinh
của các nước phương tây tổ chức trên những kênh truyền hình quan trọng của quốc
gia thông qua chương trình thời sự.
3. Cần mở rộng những bài hát Phật
giáo, mừng Phật đản sanh trên hệ thống Radio FM toàn quốc thông qua chương
trình: bài hát theo yêu cầu hay lá thư âm nhạc - chứ không chỉ là những bài hát
mừng giáng sinh Merry Christmas.
4. Những diễn văn, thông điệp Mừng
Vesak hằng năm của Liên Hiệp Quốc cần phải được gửi đến các cơ quan làm việc
của nhà nước, báo chí đăng tải và phổ biến rộng rãi để xứng tầm với một văn bản
hành chánh về ngày Đại lễ mà Liên Hiệp Quốc đã công nhận và phát đi hằng năm.
Được như thế, mỗi người mỗi việc
trong mỗi vị trí mà mình đang có mặt trong gia đình hay xã hội đều có thể đóng
góp để dần đưa không khí Phật đản sẽ thật sự trở về trong sự ấm cúng thiêng
liêng, vui tươi và ngập tràn niềm hoan hỷ vốn dĩ.
Những hành động lớn nhỏ của bạn đều
để nhắc cho mọi người trong gia đình, làng xóm, công ty, bạn thân hay đồng
nghiệp được thấy - biết: Phật đản về...
Để rồi, Phật đản sẽ không chỉ còn là
những buổi lễ tưởng niệm hành chánh có lệ hay những khoá lễ cầu kinh chỉ có tại
các chùa mỗi đêm. Mà nó sẽ là thông lệ, là ngày hội vui như cái thuở Lý – Trần
vàng son kia, là ngày của những ký ức đầy vui tươi của tuổi thơ, của những thế
hệ con cháu sau này sẽ lấy đó làm gương mà tiếp nối, mà lưu truyền và gìn giữ.
Vâng – làm cái gì đi, Phật đản về
rồi! Trách nhiệm không chỉ của riêng ai.
Kính chúc mọi người một mùa Phật đản
an lành!
Giác Minh Luật
Viết cho những ưu tư còn vọng lại.
21/05/2018.

