Đang tải dữ liệu ...
Radio Nhân Sinh › Radio
Cập nhật: 31/07/2018 
Radio “Bên Ô Cửa Thiền” - Số 3: “Vào đời”


-       CHƯƠNG TRÌNH PHÁT SÓNG LÚC 19H30 TUẦN THỨ 2 VÀ THỨ 4 HÀNG THÁNG

-       NGHE RADIO – NUÔI DƯỠNG TÂM HỒN

-       LINK YOUTUBE: https://www.youtube.com/watch?v=bmABwB8gXRE

Người ta thường bảo với nhau rằng: “Thanh xuân giống như một cơn mưa rào, dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa thì bạn vẫn muốn đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa”. Nhẹ nhàng là thế, thanh xuân trở thành khoảng thời gian tươi đẹp và rực rỡ nhất của mỗi con người. Nhắc đến đây, một khoảng trời rộng bao la lại mở ra, những khoảnh khắc tôi và bạn đã từng chạm ngõ lại hiện về có phải không? Có bao giờ khi tĩnh tâm thiền định bạn mỉm cười với những hồi ức chưa? Những khoảnh khắc ngày mình chập chững vào đời đó.

Vào đời với mỗi người là mỗi bước ngoặc khác nhau, có những người vài tuổi đầu đã tập tành xa nhà, làm ăn buôn bán lập nghiệp, có những người khi tới đôi ba mươi mới bắt đầu va chạm với nhiều hơn,… Tất cả đều là những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa; những vấp ngã, khó khăn, những niềm tin hay cố gắng đều được gầy dựng và vun đắp giúp ta trưởng thành, hoàn thiện hơn. Trong Phật Giáo chúng ta thường gọi đó là sự nuôi dưỡng. Không ngôn từ nào, không bức tranh nào có thể nói hết, vẽ hết những con đường chúng ta đã đi qua, những khó khăn chúng ta vấp phải và cả những ước mơ, hoài bão chúng ta ấp ủ trong những ngày tháng ngây dại ấy. Chỉ có cảm xúc được lưu giữ bên trong trái tim mỗi người là trọn vẹn nhất.

Với chủ đề “Vào đời” ở số radio lần này, Nhân Sinh nhận được rất nhiều chia sẻ của các bạn gửi về cho chương trình những câu chuyện triết lí mang nhiều ý nghĩa. Vào đời là lúc với những bước đi chập chững đầu tiên nên vốn dĩ chúng ta sẽ gặp những thành công hoặc thất bại mà không hề biết được. Vậy các bạn nghĩ như thế nào về là thành công với nỗ lực của chính mình vậy?

Thành công với nỗ lực của chính mình là một sự thành công không phải quá to lớn hay vĩ đại, đôi khi chỉ là vượt qua được giới hạn của bản thân hoặc những thói quen thì ấy chính là thành công lớn nhất rồi.

Nhân Sinh chợt nhớ đến một câu nói mà Sư Ông Nhất Hạnh từng nói rằng:

 “Chúng ta sẽ thành công hơn trong tất cả những nỗ lực nếu chúng ta buông bỏ thói quen chạy theo thời gian, tạm dừng để thư giãn và bình tĩnh lại. Chúng ta sẽ có nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống.” 

Nghe câu nói ấy của sư ông bỗng cảm thấy ngộ ra nhiều điều lắm. Đúng là khi thất bại nếu ta cứ quay cuồng với nó mà không dừng lại quán chiếu thân tâm, tĩnh tâm thì bản thân sẽ không thể đứng lên tìm lại được niềm vui. Mỗi khi có vấp ngã hay sự cố gì trong công việc Nhân cũng thường cố gắng bình tĩnh và thư giãn để suy nghĩ thật sáng suốt nhất để đưa ra cách giải quyết nhanh gọn nhất.

Thất bại là một con đường song song trong cuộc sống của chúng ta mà, nhưng mà như lời răn của sư ông sự thành công hơn cả chính là khi buông bỏ được guồng quay thời gian, biết cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc thì ấy chính là thành công lớn nhất nhỉ?

Nói đến thất bại và thành công ấy, trên thế giới biết bao nhiêu nhà khoa học, doanh nhân, chính trị gia đã từng đứng lên từ vấp ngã không? Đó là ông Edison, ông từng thất bại trong 10.000 thí nghiệm trước khi phát minh ra tàu hỏa và bóng điện. Còn có cả tỉ phú Bill Gates ông cũng từng vô số thất bại nhưng cách ông nhìn nhận, đối diện cũng như đứng dậy từ nó, mới xứng đáng để chúng ta học tập.

Đây là những tấm gương đi lên từ khó khăn, câu chuyện về phát triển sự nghiệp của họ Nhân nghĩ đó luôn là bài học tốt cho chúng ta. Những câu chuyện về sự thành bại và cách nhìn nhận của một người biết thực tập giáo lí Phật Giáo vào cuộc sống để biến những thất bại ấy trở nên nhẹ nhàng với con mắt đầy chánh niệm của giáo lí Phật Đà luôn đáng quý trọng. Mời quý vị khán thính giả cùng lắng nghe câu chuyện mang tên “Nhẹ nhàng trong sự thành bại".

NHẸ NHÀNG TRONG SỰ THÀNH, BẠI…

Trong căn nhà đậu xe của bố mẹ nuôi, Steve Jobs và người bạn đã lần đầu tiên thành lập Hãng Apple. Lúc ấy ông chỉ vừa 20 tuổi. Đến 10 năm sau, Công ty Apple trong căn nhà để xe của ông đã phát triển thành một đại công ty với tổng trị giá hai tỷ đô la và hơn 4.000 nhân viên làm việc. Nhưng rồi, trong lúc đang ở đỉnh cao của sự thành đạt, lúc ông vừa 30 tuổi, ông đã bị buộc thôi việc vì bất đồng quan điểm về tầm nhìn tương lai với người mà ông đã thuê làm điều hành. Ông phải ra đi vì toàn ban điều hành đứng về phía người ấy.

Ông đã thực sự đau khổ vì thất bại này. Nhưng từ trong đáy thẳm của con tim, ông ta đã nhận ra một phép lạ, đấy là, ông vẫn chưa mất tình yêu đối với công việc của mình. Thế là ông đã khởi sự thành lập một công ty mới là NeXT và tiếp sau đó là Công ty Pixar gắn liền với người phụ nữ, mà sau này trở thành vợ của ông. Điều kỳ thú là chẳng bao lâu sau sự thành đạt của NeXT, chính Apple đã mua lại Công ty NeXT, một công ty đã tạo ra những sản phẩm then chốt cho sự phục hưng của Apple như hiện nay. Thế là Steve Jobs đã trở lại với Apple.

Về sau ông đã phát biểu rằng, “Bị thôi việc ở một công ty do chính mình sáng lập quả là điều tốt đẹp nhất đã đến với tôi. Cái nặng nhọc của thành công được thay thế bằng cái nhẹ nhàng trong trạng thái của người mới khởi sự, ít có bám chắc vào bất cứ cái gì. Nó đã cởi trói cho tôi đi vào một giai đoạn sáng tạo nhất của cuộc đời”.

Những gì Steve Jobs nói quả thật là chẳng khác gì giọng điệu của một thiền sư chính thống. Vâng, ông đã nói với chúng ta bằng sự kiện, chứ không phải bằng ngôn ngữ rằng: thất bại không phải là điều đáng sợ mà đánh mất tình yêu vào cuộc sống mới là điều đáng sợ! Trong những lúc thất bại và não nề như thế, ông đã bám lấy tình yêu vào công việc thay vì sống với phiền muộn khổ đau hay tự đồng hóa mình với những cảm giác buồn vui, thương ghét... Là một người Phật tử, Steve Jobs đã rất tinh tế khi sống lời Đức Phật dạy bằng cách cố vượt ra khỏi sự bức bách của tám nhân duyên ám ảnh trần thế - được, mất vui, buồn, khen chê, danh vọng và không danh vọng - để khơi dậy tình yêu và lý tưởng của mình.

Nếu bạn cứ tiếp tục chạy theo tám nhân duyên này, cho dù bạn được phép sống thêm một trăm năm nữa thì bạn vẫn mải miết trong phập phồng, đau khổ. Vì chân lý của cuộc sống là sự thay đổi không ngừng. Chỉ có cách, hãy tự mình vượt lên trên các nhân duyên đối đãi này và an trú sâu xa trong tĩnh lặng, bạn mới có thể sáng tạo và làm mới cuộc sống của chính mình. Sống như Steve Jobs, tĩnh tâm trước thành hay bại, chắc chắn bạn sẽ được an bình, hạnh phúc.

Những thông điệp trong bài nói chuyện của Steve Jobs tại ĐH Standford đã thực sự chạm vào trái tim của nhiều người, những triết lý sống "rất Phật".

Câu chuyện trên đã khép lại cuộc đời trần thế của Steve Jobs. Và lạ lùng thay, đây lại là một bài giảng về vô thường, về cái chết cho hàng ngàn sinh viên trong ngày lễ ra trường tại Đại học Stanford. Tất nhiên bài thuyết trình trong một bối cảnh quan trọng như thế được phô diễn trên văn bản với một quan điểm sống rõ ràng chứ không phải là một cảm hứng ngẫu nhiên. Steve Jobs đã giảng về vô thường như thế nào?

Ông bắt đầu câu chuyện: “Mỗi buổi sáng khi soi gương tôi đều hỏi chính tôi rằng “Nếu như hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi, thì tôi có muốn làm những gì mà tôi sắp sửa làm hay không?”. Nếu như câu trả lời là “Không suốt nhiều ngày như vậy, thì tôi biết rằng tôi phải thay đổi một điều gì đó”.

Một lối sống cẩn thận và có ý thức từng ngày, từng giờ như thế xuất phát từ căn bệnh ung thư tụy tạng (lá lách) mà ông đang cưu mang. Chính căn bệnh của ông cũng đã giúp ông phần nào tỏ ngộ chân lý vô thường. Nhưng căn bệnh đó không giúp ông tìm đến Phật giáo. Vì Steve Jobs đã đến với Phật giáo ở ngay vào độ tuổi thanh xuân, ở một lứa tuổi mà hầu như chẳng ai bận tâm đến chuyện sinh lão bệnh tử.

Mặc dù phải đối diện với bệnh tật nhưng tâm ông đã không hề chùng xuống mà trái lại nó lại sáng suốt và mạnh mẽ hơn bao giờ. Ông nhấn mạnh: “Quán niệm rằng nay mai tôi sẽ chết là một công cụ quan trọng nhất mà tôi đã đương đầu để có thể giúp tôi quyết định những lựa chọn lớn lao. Bởi vì hầu như tất cả mọi thứ - lòng mong đợi từ bên ngoài, niềm kiêu hãnh, nỗi sợ hãi về sự thất bại hay bẽ bàng - những điều này sẽ bị rơi rụng trước cái chết, chỉ còn lại những gì thật sự quan trọng.

Ghi nhớ rằng bạn sẽ phải chết là cách tốt nhất mà tôi biết để có thể tránh được cạm bẫy của ý tưởng rằng bạn có cái gì đó để mất!”

Dường như Steve Jobs đã rất tâm đắc pháp môn quán niệm về sự chết. Một trong những pháp môn quán niệm mà Đức Phật đã giảng dạy trong mười pháp tùy niệm đó chính là niệm Chết (niệm diệt). Câu chuyện của Steve Jobs dường như vô tình cũng đã mang theo bóng dáng của cô bé quay tơ 16 tuổi, cư dân làng Alavi, được ghi lại trong chuyện tích Kinh Pháp Cú. Cô bé làm nghề quay tơ cũng đã thành tựu về mặt tâm linh nhờ vào pháp niệm này; và cũng đã từ giã thế giới rất sớm...

 Thế nhưng có lẽ Steve Jobs đã cảm nhận về một dự báo rất gần khi ông ta phát biểu bằng một ngôn ngữ bộc trực và mãnh liệt rằng, “Không ai muốn chết cả. Thậm chí người muốn lên thiên đàng cũng không muốn chết để đến đó. Tuy nhiên, chết là điểm đến chung cho tất cả chúng ta. Chưa bao giờ có ai trốn thoát nó được. Và rằng, rất có thể Chết là một tạo phẩm tốt đẹp của đời sống. Nó là điểm thay đổi cuộc sống. Nó dọn sạch cái cũ và mở đường cho cái mới. Ngay bây giờ, cái mới là bạn, nhưng rồi ngày nào đó, không mấy lâu đâu, bạn sẽ từ từ trở thành cái cũ, và sẽ bị dọn sạch. Xin lỗi, vấn đề trở nên quá bi thương, nhưng nó là sự thật”.

Lối chỉ thẳng vào sự thật của cuộc sống biến chuyển vô thường rõ ràng nghe có vẻ ảm đạm và u buồn thật đấy! Nhưng đó không phải là một quan điểm bi quan mà là sự thật cho dù bạn muốn nói ra hay là không. Nên nhớ rằng, quán niệm về chết không phải để chết; quán niệm về chết là để sống tốt đẹp hơn và làm cho chính cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn trong mọi lĩnh vực và giá trị của nó.

Điều này được khẳng định khi Steve Jobs đánh giá về kẻ đồng hành của mình: “Vấn đề duy nhất của Hãng Microsoft là họ không có cái cảm thức thẩm mỹ. Họ tuyệt nhiên không có cảm thức thẩm mỹ. Tôi không nói điều đó theo lối hẹp, mà tôi nói điều đó trong một phương diện lớn lao, trong ý thức rằng họ không nghĩ đến những ý niệm ban sơ, và họ không đem nhiều yếu tố văn hóa vào trong những sản phẩm của họ”. Lời bình phẩm này cho thấy Steve Jobs quan tâm đến đời sống thẩm mỹ như thế nào và dĩ nhiên nó cũng lôi kéo chúng ta về với triết lý của những dấu chấm và nét chữ đẹp mà ông đã kể với chúng ta trong câu chuyện ban đầu.

Quán niệm về Chết theo tinh thần Phật giáo mà Steve ứng dụng vào đời sống của mình hẳn không hề mang dấu ấn bi quan nào hết. Trái lại, nó mở ra một con đường thênh thang với biết bao cơ hội chuyển hóa và thăng tiến theo giấc mơ lý tưởng của mình, bỏ lại đằng sau tất cả những vướng bận vào được mất, hơn thua cho cuộc sống nhị nguyên. Vâng, đấy chính là sức công phá vĩ đại của một tâm thức đã vượt lên trên thế giới vô thường vì đã “tỏ ngộ” về vô thường. Hẳn bạn không cần phải chờ cho tới khi già chết rồi mới hiểu được những giá trị chân thật của cuộc đời!

Chỉ một phút tĩnh tâm với một trang kinh, Steve Jobs đã hiểu được những giá trị thực thụ khi quán niệm về chết. Từ đó, ông đã ra sức sống hết mình với những gì tốt đẹp nhất và đeo đuổi mục tiêu của mình cho tới cùng. Động lực của của sự đeo đuổi này, dĩ nhiên, không phải vì hơn thua mà chính vì tấm lòng trân trọng cuộc sống, trân trọng những giá trị chân thật, và trân trọng cái “Mỹ” bên cạnh cái Chân và cái Thiện.

Có lẽ, bạn sẽ thấm thía hơn khi nghe Steve Jobs nói về cội nguồn hạnh phúc thật sự của đời mình trong mối tơ duyên nhọc nhằn của sống và chết: “Làm người giàu có nhất nằm trong nghĩa địa đối với tôi không thành vấn đề... Mỗi đêm khi đi ngủ và nói với mình rằng chúng ta đã làm điều gì đó thật là tuyệt vời... đó mới là vấn đề quan trọng với tôi.

Tác giả Khải Thiên (Mùa Thu 2011)

 (*) Bài cảm niệm được viết bởi cảm xúc của tác giả nhân đọc bài phát biểu của Steve Jobs được đăng trên trang web của ABC News, tháng 10, ngày 08, 2011.

Quý vị khán thính giả thân mến, tuổi đôi mươi là giai đoạn thể lực và tinh thần dồi dào nhất để nuôi dưỡng hoài bão và khát vọng thể hiện bản thân, trải nghiệm thực tế. Nhưng cũng chính là những người non trẻ, nên thiếu kinh nghiệm, đôi khi nôn nóng, vụng về, nông nỗi… nên nếu gặp phải thất bại là chuyện bình thường. Điều quan trọng là ta biết lặng lại một giây lát để ngẫm, để hiểu được rằng đường đời vốn đã lắm chông gai, tuổi trẻ là lúc phải đương đầu với những chông gai ấy, có lúc hoài bão kia bỗng trở lên bị ngăn lối bởi những trở ngại, gian truân. Đó là lúc bản thân mỗi người cần vững chí lý tưởng, vững tâm với những mơ ước ban đầu, có lý tưởng, vững thân tâm và luôn mỉm cười an nhiên đón nhận thành bại, ấy chính là chìa khóa mà ông Steve Jobs đí đến thành công của chính ông và của ngay chính chúng ta nếu chúng ta biết “Nhẹ nhàng trong sự thành bại.

Thất bại cũng là cơ hội để mình nhìn lại bản thân là vì mình đã tự đánh giá sai thực lực bản thân, cố chấp làm hay vì tự ái, tự cao không nhận sự giúp đỡ từ xung quanh rồi thất bại thê thảm. Người xưa có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” để nhắc mình đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai khi gặp thất bại. Đối diện với lỗi sai để rút kinh nghiệm rồi tiếp tục bước đi trong cuộc sống, trong con đường chinh phục những mục tiêu mà mình dự định vươn tới là một điều đáng khen. Có vậy, khi đã trải qua những khó khăn để đạt được thành công mình sẽ biết quý thành quả mà mình tạo dựng. Tuy nhiên nên nên nhớ đừng ngủ quên trong chiến thắng với thái độ kiêu mạn, tự hào, xem trời bằng vung, coi mình là số một thì mình sẽ bị sự xa lánh của mọi người đấy nhé!

Chính chúng mình, những con người phía sau Radio cũng đã và đang bước đi trên con đường tuổi trẻ. Chúng ta cùng nhau tâm tình những câu chuyện về những khó khăn hay những giây phút vui vẻ, hăng hái để cảm thấy được gần gũi. Hy vọng những chia sẻ từ chương trình Bên Ô Cửa Thiền sẽ mang đến cho các bạn chút bình an, chút dư vị để trên đường đời rộng lối kia chúng ta sẽ luôn vững bước với lý tưởng bản thân. Chúng tôi nghĩ rằng điều đó sẽ phần nào khích lệ tinh thần cho tuổi trẻ vững chãi hơn trên con đường trong cả đạo và đời.

Ngồi đọc thư của một bạn gửi về chương trình mà Hiếu chạnh lòng nè Nhân. Bạn ấy cũng xa nhà vào Sài Gòn học tập và lập nghiệp như tụi mình nè Nhân.

“Cuộc sống sinh viên xa nhà chắc hẳn ai cũng hiểu cảm giác mỗi khi cuối tháng, đó là những khi trong túi nó chỉ còn vài đồng bạc lẻ, là những lúc tiền nhà tới tháng đóng, đó là những ngày nó và bạn bè ngồi lại cùng nhau ăn tạm gói mì, sẻ chia cho nhau mớ rau nhỏ, đó là những khi nó sợ mỗi khi gọi về nhà, bởi nó biết ở nhà ba mẹ đang từng giờ từng phút chắt chiu gửi tiền lên cho nó, những đồng tiền nó xài là ngần ấy giọt mồ hôi ba mẹ nó rơi xuống. Những dòng tâm sự Hiếu vừa đọc qua được lấy từ chính ngay trong câu chuyện của một bạn nữ dấu tên. Tuy chỉ là đôi dòng tâm sự ngắn thôi nhưng chắc các bạn cũng đã phần nào hiểu được câu chuyện mà Hiếu sẽ kể ngay sau đây đúng không nào? Và ngay bây giờ Hiếu mời các bạn cùng thả dòng cảm xúc của mình với câu chuyện mang tên Chênh vênh tuổi đôi mươi.

CHÊNH VÊNH TUỔI ĐÔI MƯƠI

Bạn ơi,lắng đọng giây phút hiện tại này, dành một khoảng lặng trong tâm hồn thật bình yên để cùng hòa mình vào dòng chảy cảm xúc của câu chuyện về cuộc đời tôi,để nghe tôi tâm sự, bởi tôi hiểu đâu đó trong câu chuyện của tôi sẽ mang nhiều dáng dấp của cuộc đời các bạn. Tôi kể về nó, về cô bé tuổi 20. Cô bé ấy năm nay chỉ vừa tròn 20, cái tuổi quá trẻ để trải nghiệm với đời nhưng nó cũng là cái tuổi bắt đầu bươn chải cuộc sống với hai chữ “ Sinh Viên”. Cách đây 2 năm, nó – 1 cô bé 18 tuổi đầy mộng mơ từ giã gia đình, xa mẹ cha, xa đứa em thơ, xa xóm làng nơi mà nó vẫn hằng ngày tung tăng quen thuộc, xa luôn bữa cơm đầy ắp tiếng cười và hạnh phúc gia đình để nó mang theo ước mơ của bản thân, mang theo niềm kì vọng của mẹ cha mà đặt chân vào giảng đường Đại học phía trước. Ngày đi nó vừa vui vừa mừng,nó lên xe nghoảnh lại nhìn đó 2 đấng sinh thành mắt đang lệ nhòa nhìn theo bánh xe đang lăn chuyển đem nó đi xa. Còn nó,nó ngồi đó nghĩ về một cuộc sống sinh viên hằng mơ ước mà mỉm cười trên môi.Nó vào Sài Gòn, Sài Gòn nhộn nhịp, tấp nập quá, sài Gòn đẹp quá với dòng xe vội vã ngược xuôi. Nó xách balo rong ruổi khắp các con hẻm, khắp các khu trọ để tìm một chỗ nương náu cho quãng đời sinh viên phía trước. Và rồi nó cũng tìm được, nó ở ghép với vài người bạn, người chị cùng quê, lúc bấy giờ nó thấy may mắn bởi đâu đó nó tìm được chút không khí quê nhà ở chốn thị thành phồn hoa. Căn phòng nó ở xập xệ, tối tăm. Đêm về tiếng chuột kêu rả rích, gián bò xộn xạo, còn nó, nằm đó, nó bắt đầu nhớ nhà, nó nhớ ba nhớ mẹ, nó khóc, nó khóc đến nghẹn họng, nó lấy mền chùm kín, cắn chặt răng để tiếng nấc không phát ra thành tiếng, giờ nó đã biết nó đang ở một nơi rất xa gia đình,và nó đã biết giờ đây cuộc sống nó, con đường phía trước chỉ mình nó độc bước.

Nó bắt đầu đi làm thêm, công việc đầu tiên của nó là phục vụ ở một nhà hàng sân vườn với đồng lương rẻ mạt. Sau tiếng chuông tan học chiều nó vội vã đạp xe đến quán, có khi bữa chiều của nó là một ổ mì không khô khốc hay một gói mì đầy nước, có hôm bữa chiều nó sang hơn là khi nó cùng những người bạn phục vụ cùng ăn những thức ăn còn sót lại của đâu đó một bàn tiệc của gia đình, nhóm bạn đến quán. Nó làm việc và trở về khi đồng hồ đã nhảy qua ngày mới, nó vội vã chợp mắt cho buổi học ngày mai, cứ thế nó bắt đầu kiếm được những đồng tiền đầu tiên trong đời, nó vui sướng, hạnh phúc, bởi nó hiểu được sự cực khổ của đồng tiền làm ra.Nếu cuộc sống cứ thế trôi thì có lẽ giờ đây sẽ không có câu chuyện về đời nó, nó chăm chỉ đi làm,rồi bắt đầu những vị khách của nó bắt nó đứng tiếp bia, đứng phục vụ,lúc này sao nó thấy nhục nhã quá, nó thấy nhân phẩm nó như đang bị chà đạp bởi những đồng tiền mà người ta gọi là tiền tip, nó không làm,chủ chửi, khách mắng, nó ăn một bạt tai của khách, nó khóc,nhưng không ai bênh vực nó, nhìn xung quanh, bao ánh mắt nhìn nó, thương hại có,dè bỉu có, đấy là lần đầu tiên nó cảm thấy tủi nhục ê chề đến vậy,nó nghỉ việc, nhà hàng không trả lương cho nó,nó biết phải làm sao, nó sống sao cho những ngày tháng còn lại. Mẹ nó có gọi, hỏi nó ổn không, nó trả lời mẹ bằng giọng vui cười rằng “ Mẹ ơi con ổn, mẹ yên tâm, mẹ đừng lo nhé!”, nói xong nó khụy xuống mà ngồi khóc giữa đường như một đứa trẻ mất kẹo. Không từ bỏ, nó lại đi làm,một đứa con gái bé nhỏ nhưng trong thâm tâm vẫn tràn đầy nghị lực, nó lấy giày dép về, hằng ngày sau giờ học nó một mình thồ 2 bao tải lớn trên chiếc xe đạp cộc cạch ra chợ bán, nó bon chen với đời, nó bon chen với nơi thị phi nhất cuộc sống là chợ,và rồi nó cũng làm được, tết ấy nó mua được cho nó chiếc điện thoại, nó sắm cho ba mẹ bộ đồ, nó mua cho em nó được đôi giày đẹp chơi tết, nó vui, ba mẹ nó nhìn nó hạnh phúc bởi họ hãnh diện và thấy rằng con gái họ đã trưởng thành.
Người ta nói rằng cuộc sống sinh viên vui và ý nghĩa là bởi những người bạn. Nhưng có lẽ thời điểm đó nó chưa có may mắn tìm được niềm vui và ý nghĩa đó, căn phòng nơi nó sống, hằng ngày nó đi về như một đứa trẻ bị ghẻ lạnh lủi thủi đơn côi,họ hỏi nó cho người yêu chị ở cùng với nhé, nó nói không, tưởng rằng sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra, nhưng không nó đã bị đuổi đi ngay trong đêm khuya,trời đất như sụp đổ, một lần nữa nó lại khóc, nó ôm balo lang thang trong đêm giữa Sài Gòn rộng lớn, chân nó cứ bước mà không biết sẽ về đâu. 18 năm cuộc đời nó chưa từng nghĩ đến viễn cảnh này,thật đớn đau thay, xã hội sao quá nghiệt ngã với nó, xã hội sao lỡ tàn nhẫn với nó, nó đâu làm gì sai. Những dòng suy nghĩ ấy cứ mải miết chạy quẫn quanh trong đầu nó,lần đầu tiên xa nhà nó muốn hét lên “ Mẹ ơi con muốn về nhà!”
. Thế rồi tưởng chừng những chuyện xảy ra sẽ làm nó gục ngã, Sài Gòn có tệ với nó, nhưng rồi nó vẫn đứng lên, bước tiếp, bởi nó hiểu nó không chỉ bước cho riêng nó, nó đang bước cho cả gia gia đình nó, họ đang rất kì vọng ở cô con gái của họ. Nó lần này nhận một công việc khác, nó đi dạy gia sư. Có vẻ công việc này của nó ổn hơn, nhẹ nhàng hơn đôi phần, nhưng mỗi tháng của nó cũng chỉ vọn vẻn với tám trăm nghìn đồng, nó lại kiếm thêm những công việc khác,nó đi phát tờ rơi, giữa cái nắng oi ã của Sài Gòn, giữa dòng xe cộ ngược xuôi nó vẫn cần mẫn đi dọc từng con hẻm,đi từng nhà phát từng tấm tờ rơi. Từng giọt mồ hôi nó rơi xuống, ướt đẫm cả áo, mái tóc nó bết lại vì những hạt bụi. Đôi chân nó tưởng chừng như rã rời, cổ họng nó đã khô khốc lại vì cơn khát, không sao, cứ thế nó vẫn tiếp tục công việc. Những dịp lễ 8/3, 20/10,20/11 nó lại cần mẫn đi lấy hoa, nó lần đầu chưa biết gì nhưng vẫn liều mình lấy hết khoản tiền ăn cuối tháng để lấy hoa về bán. Nó trong đêm ngồi cần mẫn cắt tỉa bó từng bó hoa,ôm từng cành hoa rong ruổi mời chào từng người một trên con phố qua lại đông đúc, họ xua tay, họ lắc đầu hay xua đuổi hoặc có khi còn trêu ghẹo, chân nó bước đi như thế chỉ mong bán hết được số hoa.Rồi sáng sáng, khi mặt trời còn chưa ló rạng nó lại lọc cọc chở hoa ra các con đường, cổng trường ngồi bán, nó nhớ, nó đã từng bị công an đuổi vì tội lấn chiếm lòng đường, nó ôm hoa chạy trốn, nó sợ mất hoa nó sẽ mất hết. Trưa đến, dưới cái nắng chang chang của thành phố nó vẫn một mình đi ship hoa, đi giao hoa. Một ngày vội vã rồi cũng xong, dựng xe bên đường, nó ngồi nhìn những nụ cười của người nhận hoa, nhìn dòng người ngược xuôi tấp nập vui vẻ, ai cũng ôm trong tay những bông hồng tươi thắm, nhìn lại nó, nó không một cành hoa, không một lời chúc, nó móc điện thoại ra gọi mẹ nó, nó chúc mẹ nó vài câu rồi thôi, vì nó sợ nó thêm nữa nó lại khóc, mẹ nó lại lo. Nó về, tự nhủ “ Không sao cả,mệt thì nghỉ rồi đi tiếp nhé cô gái”. Ngoài đi dạy thêm, nó còn đi làm thêm ở một quán kem, còn nhớ, những hôm sáng mai là buổi thi của nó nhưng đêm nay nó vẫn đi làm đến 11 giờ, nó về ăn vội cái gì đó rồi ôm bài học, nó nằm co quắp học đến 4h sáng rồi chợp mắt một lát để nó đi thi,thế mà nó cũng qua hết tất cả môn, thế mà nó cũng tự hào khi gọi điện về nói rằng “Mẹ ơi, con được học bổng đấy mẹ ạ”, ba nó ở bên nghe thế, ba nó vui lắm, ba nó khoe khắp xóm rằng con gái ông được học bổng, nó hạnh phúc và tự hào. Nó đi học xa nhà, ở nhà chỉ còn ba mẹ và em gái nó, mỗi năm nó rất ít về, mỗi dịp lễ mẹ nó lại gọi “ Sắp tới mày có về không?”, nó nghẹn ngào nói “Mẹ ơi, chắc tết con về luôn, con ở lại đi làm”. Mẹ nó lặng im, cúp máy không nói gì,còn ba nó an ủi nó, không sao tết về cũng được, ở trên đó giữ gìn sức khỏe, thiếu gì cứ nói ba,ba sẽ lo, đừng làm quá lại bệnh nghe con. Nhiều lần nó về thăm nhà,mẹ lại hỏi về mấy ngày, sao ít thế. Có lần nó nói “ Mẹ ơi mai con lên thành phố lại nha”, mẹ nó trầm buồn, lặng lẽ gói gém cho nó vài ba quả trứng,vài ba kí gạo, gom góp tiền đưa cho nó, rồi mẹ nó ngồi một góc nhà mà khóc, mẹ nói “ Mày về được vài bữa rồi đi,rồi mai mốt em mày đậu đại học đi nữa hai ông bà già tao ở nhà lủi thủi một mình, tao chịu không nổi đâu”, nói rồi mẹ nó khóc, nó ngồi đó cũng khóc và lặng lẽ nhìn mẹ nó, bởi nó biết được sự cô đơn của ba mẹ nó khi những đứa con họ đi xa. Còn nhớ một lần,ba nó nói với nó, nửa đùa nửa thật “ Con, mày đi học trên đấy thấy có em bé nào bỏ đem về cho ba nuôi nha,chứ mai mốt em mày đi nữa, tao ra vô lủi thủi buồn lắm, nhà nó lạnh tanh , kiếm đứa cho ba mẹ có đứa bi bô lủi thủi cùng, mà không mai mốt em mày lên đó, tao có lên thăm chị em mày đừng chê ba nghèo, ba già ,ba xấu mà kêu ông già này về nha, tao lên thăm thôi rồi tao về”, nói xong, ba nó khóc, lần đầu tiên 20 năm trong đời nó thấy ba nó khóc, nó lặng câm, nó thấy mình có lỗi với ba mẹ nó thật nhiều. Mùa Vu lan về, nó ở thành phố, nó vào chùa phụ công quả, nó nhìn những bông hồng cài áo, nó thấy hạnh phúc khi ngực áo năm nay của nó vẫn là bông hồng đỏ thắm, nhưng chợt bất giác nhìn bông hồng trắng kia, nó lại sợ, nó sợ một ngày nào đó chính bông hồng trắng đó phải cài lên ngực áo nó,nghĩ đến vậy bất chợt một dòng nước mắt nóng hổi rơi xuống trên má nó.Nó lại nhớ nhà!!!! Cuộc sống sinh viên xa nhà chắc hẳn ai cũng hiểu cảm giác mỗi khi cuối tháng, đó là những khi trong túi nó chỉ còn vài đồng bạc lẻ, là những lúc tiền nhà tới tháng đóng, đó là những ngày nó và bạn bè ngồi lại cùng nhau ăn tạm gói mì, sẻ chia cho nhau mớ rau nhỏ, đó là những khi nó sợ mỗi khi gọi về nhà, bởi nó biết ở nhà ba mẹ đang từng giờ từng phút chắt chiu gửi tiền lên cho nó, những đồng tiền nó xài là ngần ấy giọt mồ hôi ba mẹ nó rơi xuống. May thay giờ đây nó có bạn, những người bạn, đã phần nào vơi bớt những âu lo trong nó, những người bạn đã kề vai vực nó dậy mỗi khi nó gục ngã, những ngưởi bạn đã thay mẹ chăm nó mỗi khi đêm đến cơn sốt ùa về, và những người bạn đã ngồi bên nghe nó tâm sự. Nó thấy yêu những người bạn ấy, nó dần cảm thấy ổn hơn sau những giờ chạy đua ngoài kia với xã hội. Người ta nói, nếu xã hôi là một con đường bằng phẳng thì ấy không còn là xã hội, xã hội chứa muôn vàn những cạm bẫy, khổ đau, xã hội dạy cho nó nhiều bài học, xã hội không dạy nó bằng những đòn roi hay la mắng, xã hội dạy nó bằng những giọt nước mắt, bằng những hành động và lời nói làm đau tim nó. Xã hội tuy thế, nhưng nó thầm cảm ơn tất cả, cảm ơn Sài Gòn, cảm ơn những con người đã làm nó tổn thương, cảm ơn những giọt nước mắt mà nó đã từng rơi xuống để giờ đây làm nó trưởng thành hơn, biết suy nghĩ chín chắn hơn. Nó ngồi đây, nó kể về cuộc đời nó, nó biết cuộc đời nó so với hàng nghìn, hàng vạn cuộc đời khác ngoài kia không đáng là gì,nó cũng hiểu những câu chuyện , những đắng cay mà nó trải qua chưa là gì so với những gì mà ở đâu đó nhiều người còn đau khổ hơn.Nhưng với nó, ấy là những tổn thương sâu sắc mà nó gánh chịu, ấy là những khổ đau nhất mà nó trải qua. Nó vẫn ngồi đây tâm sự,không phải để đổi lấy sự thương hại, đổi lấy sự khinh thường hay cái nhìn bi quan của bạn về cuộc đời, mà nó ngồi đây để các bạn có thể thấy được, một người như nó, đã đứng lên, đã mạnh mẽ vượt qua, đã không chùn bước trước những bão giông mà cuộc đời mang lại. Nó muốn qua câu chuyện của nó,bạn có thể có thêm nhiều động lực để cùng nó bước tiếp trên con đường dài phía trước, nó kể ra đây để những bạn – những con người đã, đang và sẽ trải qua cuộc sống sinh viên hay bươn chải bước vào đời sẽ có thêm sự đồng cảm, có thêm nghị lực để bước đi, nó từng gục ngã, nó từng muốn từ bỏ, nhưng không nó đã mạnh dạn vực dậy, đi tiếp, nó hiểu rằng cuộc đời phía trước còn dài, nó mới chỉ bước được 1/3 đoạn đường ấy mà thôi. Bạn hãy như nó và cùng nó bước tiếp bạn nhé!

(Hoàng Bích Ngọc)

 Chúng ta không nên nghĩ rằng lý tưởng là một giả tạo của tư tưởng để con người tự đánh lừa mình. Cũng không nên nghĩ rằng lý tưởng thì bao giờ cũng là đẹp đẽ. Lý tưởng biểu hiện ước muốn của con người và ước muốn ấy có khi không chính đáng. Không chính đáng ở đây không có nghĩa là trái chống với một nền đạo đức hay luân lý nào. Không chính đáng ở đây chỉ có nghĩa là không có tính cách xây dựng, lành mạnh, và còn đe dọa phá hủy những gì đẹp đẽ và mầu nhiệm của hiện hữu.

Có người chê trách em không có lý tưởng, nói nhỏ to với nhau rằng em không có lý tưởng. Tôi không tin có chuyện đó. Với sức sống trào dâng của tuổi hai mươi, em không có lý tưởng thì xác chết nào mới có lý tưởng? Một con đường không thể không đưa đến đâu. Một sức sống như em, như hợp thể ngũ uẩn của em, không thể không có lý tưởng. Em quả tình đang vươn tới. Nhưng vì em thiếu bình tĩnh thiếu nhận thức nên sự vươn tới ấy chưa được chỉnh đốn Sinh lực của em tràn đầy và, chưa được nhận thức em hướng dẫn đúng mức, đã khiến cho em khi lệch sang bên này một chút khi lạc sang bên kia một chút. Em chỉ cần nhìn lại, em chỉ cần kiểm soát kịp thời là sức sống kia sẽ vươn lên phía mặt trời. Muốn được như thế em phải sử dụng chính trí tuệ và kinh nghiệm em, đồng thời phải thiết lập cảm thông và đối thoại với những người khác, những người cùng tuổi và những người khác tuổi.

Em không cần tạo ra lý tưởng. Lý tưởng vốn sẵn có trong em, cũng như nơi đến có sẵn trong con đường. Phải kịp thời kiểm soát hướng đi của mình, điều khiển con thuyền của mình. Phải kịp thời sử dụng năng lực dồi dào của sự sống em một cách hợp lý. Năng lực sung túc của em cần phải được sử dụng, không thể để cho chúng trở nên thừa thải. Nếu không, trong hôn mê, trong ngờ vực chán nản, em sẽ sử dụng  chúng, tiêu xài chúng trong những trường hợp và ở những địa vức bệnh hoạn. Thay vì để bảo vệ nuôi dưỡng và phát triển em, năng lực ấy sẽ làm suy nhược em, phá phách em, tiêu diệt em. Ngoài những nhu cầu tồn tại, hợp thể ngũ uẩn em còn có những nhu cầu phát triển và trở thành. Mà chỉ khi nào có phát triển có trở thành em mới tìm thấy an lạc hạnh phúc, em mới thấy được như con cá trong nước, con chim trên trời: trong những nhu cầu phát triển và trưởng thành ấy tôi thấy hai nhu cầu khám phá và thương yêu là những nhu cầu mãnh liệt nhất, bền bỉ nhất rất cần cho sự phát triển của hợp thể ngũ uẩn em để em có thể trở thành vĩ đại và siêu tuyệt.

Sự khát khao hiểu biết nơi em, cũng như nơi tôi và nơi mọi người, là một sự thực, một bản tính của hợp thể ngũ uẩn. Nếu sự tò mò, nếu nhu cầu hiểu biết và khám phá không biểu hiện nơi em là tại vì em bị che lắp bởi những chướng ngại vật của cuộc đời,bị trĩu nặng bởi những hành lý ốm đau không ích lợi cho bản thân em. Trong trường hợp này sự phát triển và trở thành của em – ta gọi là sự sống, quả thực bị ngăn chận lại rất nhiều. Em phải khơi mở, phải giải phóng cho sự khát khao hiểu biết và khám phá vốn nằm tiềm tàng trong con người em. Vũ trụ và con người cần được tìm hiểu, được khám phá. Phải tìm tới sự thực, dù sao em cũng phải tìm tới sự thực; nhu yếu này nơi nhà bác học, nơi nhà thám hiểm cũng như nơi người học giả được hiển lộ một cách rất hiện thực. Nơi nhà đạo học, sự khát khao này gọi là sự khát khao đạt đạo hay chứng đạo. càng khám phá, càng tìm tòi, càng hiểu biết, ta càng thấy ta lớn hơn lên, gần gũi hơn lên với vũ trụ với con người, ta càng thấy rõ sự liên hệ mật thiết giữa ta với vũ trụ, với con người, ta càng thấy rõ được hòa điệu đại đồng của sự sống Ta sẽ không còn bị giam hãm trong một cái ta, một cái vỏ chủ quan bé nhỏ và lầm lạc. Em sẽ tìm thấy sự sống và sẽ sung sướng tìm thấy mình trong thực hữu mầu nhiệm.

Trích " Nói với tuổi 20 - Sư Ông Thích Nhất Hạnh", Phần Lý Tưởng của tập sách

TEAM RADIO NHÂN SINH


Điện thoại:
 Đề nghị gõ tiếng Việt có dấu
Nhập mã xác nhận:  
Tôi đồng ý gửi thông tin này đến ban quản trị website.

CÁC BÀI VIẾT KHÁC :
CÁC BÀI VIẾT KHÁC :