Đang tải dữ liệu ...
Radio Nhân Sinh › Radio
Cập nhật: 14/07/2018 
Radio “Bên Ô Cửa Thiền” - Số 2: “Hiểu và Thương”

-          CHƯƠNG TRÌNH PHÁT SÓNG LÚC 19H30 TUẦN THỨ 2 VÀ THỨ 4 HÀNG THÁNG

-          NGHE RADIO – NUÔI DƯỠNG TÂM HỒN

-          LINK NGHE RADIO: https://www.youtube.com/watch?v=hwkfnDmEFIU&t=628s

Sư ông Thích Nhất Hạnh có dạy rằng: “Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”, khi mình có tình thương thì tiếp xúc đến đâu chất liệu yêu thương sẽ được trao truyền cho người mình tiếp xúc đến đó. Trong mỗi con người chúng ta đều có những hạt giống thiện lành, hạt giống yêu thương, hiểu biết chấp nhận tha thứ và bao dung.

“Tôi và bạn là 2 cô gái trẻ từ quê lên Sài Gòn đi học, có duyên gặp và chơi với nhau. Các bạn biết không? Bởi vì chúng tôi giống nhau về sở thích mà dần trở nên thân thiết và gắn bó với nhau lắm. Rồi sau đấy tôi và bạn chuyển về ở chung với nhau trong một căn phòng trọ nhỏ vỏn vẹn 16m2, cứ nghĩ là sẽ gắn bó với nhau lâu dài, bảo bọc nhau mà sống ở cái đất Sài gòn này. Nhưng rồi, thời gian trôi qua, ngày qua ngày tôi cũng như bạn ấy bắt đầu khép mình lại, ít nói chuyện với nhau hơn, ít chia sẽ hơn, tự mỗi người khép mình lại không còn như trước nữa. Chúng tôi đã sống chung, quen thân nhau quá rồi nên dần những cái xấu, những thói quen, những hành động vô tình làm cho đối phương không hài lòng. Nhưng vì nghĩ là thân, nghĩ rồi người ta sẽ nhận ra và tự sửa mà cả hai chúng tôi đều chọn cách im lặng đấy. Mà bạn biết không? Mâu thuẫn, khuất mắc nếu không được tháo gỡ tích tụ lâu ngày rồi cũng đổ vỡ cả thôi. Buồn lắm, hai chúng tôi  lúc đầu gắn bó với nhau vì chữ Hiểu và thương nhưng cũng vì không hiểu hết giá trị của Hiểu và thương mà dần tách biệt, xa nhau mỗi người mỗi con đường”.

Thật tiếc cho tình bạn của hai bạn trong câu chuyện quá. Thật sự, những người con tỉnh lẻ bước lên Sài Gòn để học tập và lập nghiệp không dễ gì chúng ta tìm được bạn có thể chia sẻ và giúp đỡ nhau. Thế nên sau chuyện trên mới chợt nhận ra là: Cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn, con người chúng ta sẽ yêu thương nhau hơn khi biết hiểu và cảm thông cho nhau.

Dưới đây là một câu chuyện, mời các bạn cùng lắng nghe và cảm nhận:

“Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng  mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không. Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì. Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi: “Em à, anh thích bánh mì cháy mà.” Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói: “Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.” Rồi ông nói tiếp: “Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác. Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khóa quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ. Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.”

Thật sự chỉ có cùng nhau trải qua những tháng ngày cơ cực thì người ta mới thấu hiểu được sự vất vả phải gánh chịu. Đi với nhau đoạn đường dài, gắn bó, đối diện cùng nhau thì tình cảm vợ chồng lại thắm đậm hơn. Phải nói người cha - người chồng trong câu chuyện trên thật tâm lý, hiểu được công việc của vợ, thương vợ thật nhiều mới có thể ăn ngon lành mẩu bánh mì cháy và không những thế còn lấy nó răn dạy người con bài học cuộc sống ý nghĩa nữa chứ. Câu chuyện trên đã vẽ nên một bức tranh thật đẹp về tình cảm gia đình hay sâu sắc hơn là tình thương vợ chồng. Có lẽ tình thương yêu, sự thấu hiểu đã hòa lẫn vào nhau. Đúng là khi ta lấy tâm bao dung ra để nhìn nhận, để xóa đi những vụn vặt nhỏ bé, yêu thương dường như gấp bội.

 

Sư ông Thích Nhất Hạnh có dạy rằng: “Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”, khi mình có tình thương thì tiếp xúc đến đâu chất liệu yêu thương sẽ được trao truyền cho người mình tiếp xúc đến đó. Trong mỗi con người chúng ta đều có những hạt giống thiện lành, hạt giống yêu thương, hiểu biết chấp nhận tha thứ và bao dung. Bạn có biết không mỗi sáng thức dậy quanh ta đầy những mầu nhiệm, trời xanh, ánh nắng vàng tươi và cả nụ cười hồn nhiên của em bé có thể cho ta biết bao niềm vui, ta nhận diện chính mình đang có mặt tại giây phút này tôi đang thở, khi đó tình thương bạn không chỉ trao cho riêng mình mà còn là cả bầu trời xanh kia chỉ đơn giản vậy thôi bạn. Nếu bạn muốn thương ai, bạn phải hiểu người đó không phải một cách hờ hợt, nếu chỉ muốn chiếm hữu đó là riêng thì đó chưa phải là tình thương thật sự.

Ta không thể gọi đó là thương nếu ta chỉ biết lo cho ta, cho những nhu cầu của riêng ta còn những nhu cầu của người đó, những khát vọng, khổ đau của người đó thì ta không hề để ý đến. Tình thương chân thật chỉ có khi ta thấy được những gì người thương ta cần hay không cần. Khi ta đã hiểu rõ ai, không thể nào mà ta không thương cho được.

Lâu lâu ta nên ngồi sát cạnh người thương của ta, cầm tay người ấy và khẽ nói: "Này em của anh, em có nghĩ là anh đã hiểu em chưa? Hay anh vẫn còn vụng về và làm cho em đau khổ? Hãy nói cho anh biết, bởi anh muốn thương em thực lòng!" Nếu ta thực tâm muốn tìm hiểu người thương thì giọng nói của ta sẽ biểu lộ điều ấy và người ấy sẽ mủi lòng. Cánh cửa cảm thông đã mở, chuyện gì mà ta làm chẳng được.

Người cha đôi khi không có thì giờ hoặc không đủ can đảm để hỏi con trai của mình những câu hỏi tương tự: "Con của ba, ba thương con, nhưng không biết ba đã hiểu được con chưa?" Ta phải có can đảm đặt câu hỏi đó với con cái ta, nếu không, thương mà không hiểu thì thương đó chưa đúng cách, trái lại, càng thương ta càng làm cho người ta thương bị thương. Phải có hiểu mới có thương thật sự. Khi được hiểu, người được thương sẽ nở như một bông hoa.

Khi bạn đã hiểu rõ ai đó không thể nào mà không thương cho được. Cả những người sống trên nhung lụa cũng có những đau khổ riêng của chính họ, khi ta thực tập quán chiếu tâm từ bi của mình, ta phải nhìn cho sâu và cho lâu vào nỗi đau của họ, phải nhìn kĩ để thấu triệt nỗi đau đó đên lúc ta cảm thấy xót thương trong lòng. Nhờ quán chiếu sâu sắc như vậy mà cảm xúc biến thành hành động để từ bi hiểu và thương có mặt khi bạn thật sự làm người kia bớt đau khổ. Tình thương là một suối nguồn dạt dào trong ta, chỉ cần ý thức được điều đó ra sẽ ban phát được niềm vui cho bao nhiêu người. Một câu nói hiểu biết dễ thương cũng làm con người ta bớt đau khổ, đánh ta mọi hiểu lầm, đem lại sự tin yêu. Một hành động đúng lúc có thể cứu sống được mạng người. Khi lời nói và hành động chân chánh nhờ vào ý nghĩ ta chân chánh. Khi có tình thương thật sự thì những điều ta nghĩ, nói và làm đều là phép lạ và đem lại nhiều lợi lạc.

Lời dạy của Sư Ông đã làm cho chúng con chợt ngộ và hiểu ra nhiều điều mà xưa nay vẫn còn chưa thấu rõ. Nó đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý nghĩa to lớn của hai chữ Hiểu- Thương, chính là hành trang đưa đường dẫn lối cho chúng con trên con đường sống hướng đến đời sống thiện lành. Vạn vật, muôn loài, chúng con đều cần phải nhìn nhận thật kĩ thì mới có thể thêm yêu thêm thương chúng, có thế tình thương mới trang trải khắp muôn nơi như chính câu hát:

“Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá
Hãy yêu nhau đi, dòng nước đã trôi xa
Nước trôi qua tim rong đầy trí nhớ
Ngày mãi mong chờ, ngày sẽ thiên thu”.

Nói về tình cảm gia đình. Chúng ta ai cũng hiểu tình cảm gia đình luôn thiêng liêng cao quý hơn cả. Nhưng sự trọn vẹn của một gia đình không đến từ một thành viên mà tất cả đều cùng truyền hơi ấm cho nhau. Chúng ta không đếm xuể những gia đình bất hạnh, không phải vì túng thiếu, cũng chẳng vì không thương mến; đôi khi chỉ là những lý do rất đơn giản mà tan vỡ. Một trong những thành viên tìm hạnh phúc mới hay mong muốn cho tương lai tốt hơn, chúng ta không thể bàn hết những lý do. Lầm lỡ, nhưng rồi có bước qua để không lỡ lầm nữa hay không? Không ít người phụ nữ từng dứt bỏ con của mình khi nó đang chập chững, thậm chí chỉ mới vài ngày tuổi. Nhưng rồi họ có mang nỗi đau do chính mình tạo ra, dằn vặt suốt quãng đời còn lại không? Có, sự cắn rứt lương tâm luôn luôn có. Đứng về phía người con bị bỏ rơi, không ai không oán trách người mẹ vô trách nhiệm. Nhưng nếu cứ mãi ôm sầu đau, tủi hận mãi thì sự sống này còn ý nghĩa gì nữa. Nhân Sinh muốn nói nhiều như vậy bởi vì tình mẫu tử luôn cao quý và chạm đến trái tim người ta. Nhưng vượt qua nỗi đau, chấp nhận và tha thứ như thế nào, mời các bạn cùng lắng nghe câu chuyện về cuộc đời của một người rất yêu quý!

“Cách đây 28 năm, có một đứa bé vừa chào đời đã bị bỏ rơi.

Sự bất hạnh ập đến từ chính người sinh ra khi cậu tưởng chừng mọi sự tốt đẹp. 8 năm tuổi thơ không phải là tháng ngày hạnh phúc. Lớn lên trong hình ảnh đứa trẻ không có mẹ có đủ chua xót chưa khi cha cậu lại là người chìm trong men rượu. Chửi rủa, đánh đập như một cách ông trút giận về người vợ trong quá khứ hay đúng hơn là nỗi đau đớn vì bị vong tình. Vết thương trên người càng nhiều thêm nhưng có hề gì với một đứa bé khi phải chịu đựng bao nỗi tủi nhục khác từ bạn bè và ngay cả những người họ hàng của mình. Người ta vốn không sợ cái tát mà đau đớn hơn là những lời mỉa mai, cay nghiệt. Buồn tủi hơn khi nó xuất phát từ miệng của người thân trong dòng họ, luôn miệt thị người đàn bà đã bỏ rơi thằng bé trong một đêm định mệnh khi nó còn khát sữa bú tay.

Gia cảnh nghèo khó, người cha không chí thú làm ăn, cậu phải sống nhờ bên nhà cậu mợ. Phận người ở nhờ ở đậu, lắm khi đói đến mức phải chờ ăn chực ở đám ma. Rồi có xá gì những đêm nằm ngoài nghĩa địa, mặc sương gió, mặc nỗi sợ hãi, thằng bé cắn răng chịu đựng khi xung quanh chỉ là tiếng côn trùng, ếch nhái dưới bầu trời tối đen u ám. Một lần, hai lần trong nghĩa địa chỗ nào cũng là nơi cậu có thể nằm co ro sụt sùi. Buồn bã nữa khi có nhà mà chẳng dám về, chọn nghĩa địa làm nơi chôn dấu. Vẳng đâu đây là lời cay độc:

-         Bà ấy xấu xa lắm, bà bỏ rơi đứa con của mình, biết đẻ mà chẳng nuôi, thấy khổ là đi mất, đúng là người đàn bà chẳng ra gì.

-         Mẹ mi đâu? Mẹ mi là ai?

-         Ta đâu có biết.

Ừ, cũng có biết đâu, ngoài cái tên của người phụ nữ đã sinh ra mình, thì cậu còn nghe nói bà ấy đang ở Sài Gòn. Nghe miết thành quen, cậu chai lì với những câu nói đó. Bao lần tuyệt vọng, đau đớn khiến một đứa bé phải nghĩ tới chuyện nhảy sông tự vẫn. Đứng trên bờ sông Quảng Trị, tâm trí hỗn loạn với hai dòng suy nghĩ: “Chết đi chứ không thể chịu đựng được nữa rồi “, nhưng  “ Mình nhớ mẹ, mình muốn gặp mẹ, chắc mẹ đẹp lắm. Đúng rồi! Dù thế nào nhất định cũng phải sống để gặp mẹ”. Miễn là còn hy vọng, may mắn cậu đã không đứng trên thành cầu nữa.

Năm 8 tuổi, nghe tin bà ngoại bệnh nặng, cậu trốn về thăm. Trên đường gần nhà, cậu bắt gặp một người phụ nữ hỏi thăm: Ba con là ai, quê ở đâu? Sau khi nghe được câu trả lời, người phụ nữ ngập ngừng hỏi với sắc mặt khác: Vậy mẹ con tên gì? Mấy tuổi? Cậu nhỏ ngoan ngoãn trả lời cũng chẳng ngập ngừng hay thắc mắc gì cả.

-         Mẹ là mẹ của con!

Giấc mơ của cậu, giờ đã là hiện thực nhưng mẹ không đẹp như ý nghĩ của một đứa trẻ 8 tuổi mà trước mắt cậu lúc này là người đàn bà lam lũ yếu ớt, tay run lẩy bẩy và chừng như sắp ngã khụy.

Sớm trải qua những nỗi đau nên cậu hiểu được tình thương mẹ dành cho mình là có thật khi biết mẹ đã trải qua rất nhiều khó khăn. Mẹ chọn ra đi vì bất lực dưới sự tra tấn, đánh đập hàng ngày của chồng, vì hoàn cảnh khốn khổ cùng đường. Dứt áo với mong muốn kiếm được tiền trở về lo cho cuộc sống, cho con thơ đủ ăn đủ mặc. Nhưng khốn nạn cuộc sống hay trêu ngươi người khốn khổ, làm ăn thất bại, đau buồn chồng chất... vậy mà, ngót nghét hơn 8 năm trời đằng đẵng. Tất cả đều là nạn nhân.

Hai năm sau đó, cậu xin được xuất gia tại một ngôi chùa. Bởi cậu thấy các thầy xuất gia được mọi người quý mến, kính trọng và y phục thật sự rất đẹp. Đứa bé trở thành một chú Sa Di nhanh nhẹn, hoạt bát. Từ ấy, màu đen xám xịt trong cuộc sống trước đây của cậu tan biến, nhường chỗ cho ánh sáng của từ bi và trí tuệ lan tỏa. Không gì tuyệt vời hơn nữa khi cậu được lắng nghe bài pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Ái ngữ và lắng nghe. Cậu hiểu rằng: Không có gì tốt đẹp và cao thượng hơn sự vun bồi một tình thương bao la rộng rãi. Hiểu và thương chính là món quà quý giá nhất mà ta có thể trao cho người khác. Trí óc và trái tim từ ấy đã dần hạnh phúc và bình yên. Cậu thương mẹ và cha của mình hơn.

Đến bây giờ, cậu đã trở thành một vị thầy dùng giáo pháp của Đức Như Lai Hoằng Pháp độ sinh. Chỉ dạy cho chúng ta bao điều hay lẽ phải, đem lại nhiều lợi ích an vui cho đời. Đại đức Thích Châu Viên - thầy từng chia sẻ: Khi ta muốn thương một người thì phải hiểu được người đó. Rồi khi hiểu ai đó hơn, ta lại càng thêm thương họ. Hãy luôn cho trái tim được mở rộng để yêu thương và thấu hiểu. Đó cũng chính là lúc ta đang bước đi vững chãi trên con đường hiểu và thương. Có vậy tâm mới có thể buông bỏ được những niềm đau, sự oán giận, tháo gỡ được khuất mắt trong lòng, không còn trách móc, buồn tuổi nữa”.

Đây là câu chuyện về cuộc đời trước khi xuất gia của Đại Đức Thích Châu Viên - Một vị thầy đã và đang đồng hành cùng với CLB Nhân Sinh, thầy xuất gia tu học tại chùa Kỳ Viên - Thành Phố Đà Nẵng và hiện tại đang tu tập và Hoằng Pháp tại Nhật Bản. Câu chuyện của thầy đã giúp chúng ta hiểu và biết cách lắng nghe, nhìn nhận mọi việc bằng tâm từ bi, bằng tấm lòng vị tha yêu thương. Như một câu kinh đã vang lên:

“Bao nhiêu lầm lỡ cũng do tâm

Tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm

Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhõm

Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong

Nam mô Cầu Sám Hối Bồ Tát”.

 Dù là người ra đi hay người ở lại, không ai không mắc phải lầm lỡ. Nếu đứng ở góc độ bản thân bị bỏ rơi thì chắc chắn sẽ có lúc mình trách móc hoặc than trách vì sự thiếu thốn. Còn về người ra đi dù lý do gì đi nữa, bỏ con dại trong hoàn cảnh khốn cùng đã là sai. Chúng ta không dám nhận xét ai nhưng cái quan trọng là hiểu được để mà thông cảm, mà thương cho những ai lầm lỡ hoặc đang chịu cảnh khổ đau như thế. Thương là thương cho nỗi đau phụ nữ phải gánh chịu. Mọi thứ xảy ra chỉ có phụ nữ là thiệt thòi và hậu quả không dễ chịu chút nào. Còn thương cho người đàn ông đôi khi tự mãn hay sĩ diện mà không vượt lên nỗi chính mình. Dù gì đi nữa, chúng ta phải sống mà còn phải sống thật vui thật tốt nữa, không để bụng những chuyện buồn mà học cách suy nghĩ thoáng, lạc quan vì mỗi người chỉ có một cuộc đời mà thôi.

TTTTT

Nhân Sinh chân thành cảm ơn sự lắng nghe từ các bạn thính giả gần xa. Rất mong nhận được sự chia sẻ, đóng góp cũng như tâm tình từ các bạn. Ngoài ra, các bạn có thể gửi quà tặng âm nhạc để trao tặng lời yêu thương đến những người xung quanh . Đừng ngần ngại mà hãy nhấn vào link https://goo.gl/forms/jnAnWrlEWSssylvl2 để gửi những điều ý nghĩa về chương trình nhé! Bên cạnh đó, bạn có thể truy cập vào Website CLB Nhân Sinh www.nhansinhclub.com để tham khảo về nội dung Radio số này sau khi chương trình kết thúc.

Chương trình được phát sóng tại:
1. Official fanpage CLB Nhân Sinh https://www.facebook.com/CLBNhanSinh/]
2. Official Website CLB Nhân Sinh [ www.nhansinhclub.com ]
3. Youtube: từ khóa Radio Bên Ô Cửa Thiền [ https://goo.gl/XGPeMd ]

Thương chúc các bạn thính giả có khoảng thời gian Radio ý nghĩa. Hẹn gặp lại các bạn trong Radio “Bên ô cửa thiền” số thứ 3 nhé!

TTTTT

Nguồn tham khảo:

1.        “Hiểu và thương”, https://www.youtube.com/watch?v=3yhTIfNP8UM,

2.        Trích “Hiểu và Thương” trong quyển sách An Lạc Từng Bước Chân của Sư Ông Thích Nhất Hạnh

3.        “Hãy yêu nhau đi”, https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/hay-yeu-nhau-di-nguyet-ca.4v4zXB8PtF.html

4.        “Gặp mẹ trong mơ”, https://www.youtube.com/watch?v=tsxDC9WRpsg

5.        “Thương”, https://www.youtube.com/watch?v=DAZQOoytCbE


Điện thoại:
 Đề nghị gõ tiếng Việt có dấu
Nhập mã xác nhận:  
Tôi đồng ý gửi thông tin này đến ban quản trị website.

CÁC BÀI VIẾT KHÁC :
CÁC BÀI VIẾT KHÁC :